Làm Sao Để Ra Trường Đúng Hạn (P2)

Chào mọi người! Lại là Tiến đây. Không ngờ là bài viết lần trước của tôi nhận được ủng hộ tích cực từ các anh chị em bè bạn đến như vậy. Cũng hơi buồn chút khi mà giờ cả thế giới đã biết về sự dốt nát của mình rồi… Nhưng dù sao cũng cảm ơn mọi người nhiều lắm ha. : D
Tối nay được rảnh rỗi, tôi lại ngồi kể tiếp về những năm tháng tung tăng vô định thời đại học cho các bạn nghe. Sẽ là một bài viết than vãn kể lể dài dòng đấy, nên hãy cân nhắc trước khi đọc nhé ^^
Lần trước, tôi đã nhắc tới những điều kì diệu đã cứu vớt tôi khỏi chuỗi ngày tăm tối đúng không nhỉ? Những điều mà khi đọc xong, chắc sẽ không ít người phẩy tay mà nói “Xời, tưởng bí quyết gì nguy hiểm lắm… Tưởng cái gì kì diệu lắm… cao siêu lắm”. Đúng thật, những thứ diệu kì ấy có thể là một thứ quá đỗi bình thường với nhiều người, nhưng lại là một điều phi thường tôi cho đến tận bây giờ.

Nhưng trước tiên, tôi phải thông báo một tin buồn rằng, sự tồi tệ trong câu chuyện lần trước vẫn chưa dừng lại như vậy đâu. Hãy tiếp tục chịu đựng thêm một chút những lời than thở của tôi và cùng trở về quá khứ một lần nữa nhé…

[FLASHBACK] Vèooo… Trở về ngày 31/5/2016. Tôi đã kết thúc bài thi cuối cùng của năm nhất….

Chữ “màu hồng” mà sao lại chẳng phải màu hồng?
Ảnh được chụp tại Mai Lĩnh rực nắng… 6/2016

Ra khỏi phòng thi,tôi lại tự nhủ như mọi lần : “Chắc lần này làm cũng không đến nỗi nào đâu nhỉ : ))”, kèm theo một chút âu lo gió bay, tự hứa sẽ không nghĩ ngợi gì thêm nữa để tận hưởng mùa hè vô não cái đã. Và đúng là âu lo gió bay thật. Ngay hôm sau, cả khóa sinh viên năm nhất đi học quân sự ở Mai Lĩnh. Chút lo toan điểm số của tôi kéo dài được mấy bữa là bị nắng vàng Mai Lĩnh cuốn đi sạch bong, cũng như chưa bao giờ lời tự hứa với lòng của tôi được thực hiện hoàn hảo và quyết liệt đến vậy. Tôi lại tươi vui với đời, như chưa từng biết thi cử là gì hết, lại tung bay đàn hát, nhìn trời ngắm mây, cười tươi hớn hở, chuyện phiếm bông đùa, lại còn cả lông bông thả thính lung tung nữa chứ : )) Với tôi, hơn hai mươi ngày Mai Lĩnh chính là quãng thời gian vui vẻ hiếm hoi thật sự của năm Nhất. Tôi đã quen được vài người bạn mới, gặp một vài câu chuyện thú vị, được thể hiện bản thân một chút, được trốn khỏi mớ hỗn độn hiện tại, và quan trọng nhất là chẳng phải nghĩ tới cụm từ “Học Đại Học”. 1 ngày, 2 ngày, 3 ngày, rồi 20 ngày… Và… làm sao tôi trốn được mãi được chứ. Tháng 6 đến và đi, đem theo chuỗi theo ngày học Quân sự êm ả, mà không quên gửi thêm cho tôi một lời nhắn nhủ rằng “xin lỗi, nhưng sự vui vẻ của mày tới đây là hết”. Đúng thế, Mai Lĩnh kết thúc là sự trốn chạy của tôi kết thúc, điểm thi cuối kì cũng đã được công bố. Chiếc xe Bus từ Mai Lĩnh đã đón thân xác tôi trở vềvới HANU xinh đẹp, còn chiếc bảng điểm cũng đón tâm hồn tôi trở về thực tại chính mình. Và…. Đúng rồi… Đúng như các bạn dự đoán đấy….

TẠ DUY TIẾN
Viết …
Nghe: X điểm ( THI LẠI)
Đọc: X điểm (THI LẠI!)
Nói ….

Related image
“Bao nhiêu cơ…?”
“Đuma nó là sự thật đấy Tiến à” ~ Tiến Duy 6/2019

Cái gì đây? 2 môn? Dưới “THI LẠI”… Tôi chỉ nhìn lướt qua cái điểm ấy… lướt thật nhanh thôi rồi vội vàng quay đi như thể có việc gấp gáp lắm … Lần này là tôi sợ phải nhìn thật kĩ… Và có nhìn nữa, hay nhìn mãi thì cái con số rõ ràng trên giấy kia cũng chẳng nhích lên chút nào đâu, mà ngược lại tâm trạng chỉ có thụt đi thêm thôi… Ôi sao mà chẳng nghĩ được gì hết…Tự dưng mọi vật xung quanh mờ mờ, tối om giữa trưa hè nắng gắt… Tự dưng bước chân lướt đi cứ nhẹ bẫng như bay. Tự dưng chẳng biết đang phải đi đâu, à đúng rồi, phải về nhà thôi… Nhưng sao tự dưng cũng chẳng biết đường về nhà…

Vậy là mình phải thi lại môn Kĩ năng Tiếng vào năm sau. Đúng là như thế, mình không nhìn nhầm đâu. Thi lại kĩ năng tiếng! Cái giếng sâu nhất của thất vọng, tuyệt vọng, và là sự thật trong cuộc đời học tập của tôi tới tận giờ!!! Tôi buộc phải chấp nhận việc mình sẽ thi lại môn chuyên ngành chính mủa mình,mà chẳng có sự chuẩn bị tâm lý nào là nó sẽ xảy ra. Người ta có thể buồn một chút, cười khẩy một cái khi trượt môn Triết, trượt Đường lối, Tư tưởng hay các môn đại cương khác mà nghĩ rằng tại bản thân thiếu may mắn, sẽ có nhiều đứa “Đồng cảnh ngộ”, rồi tự nhủ mọi chuyện sẽ ổn thôi, không sao hết, lần tới ôn kĩ hơn là được. Nhưng không, nhắc tới việc trượt môn chuyên ngành (Cái môn chính nhất mà hầu như chẳng đứa nào trượt cả), thì cái mức độ thất vọng nó ở một đẳng cấp khác lắm, chẳng thể mở nổi miệng để cười, chẳng có đứa nào “Đồng cảnh ngộ” đâu, và chắc chắn không phải sự thiếu may mắn nữa rồi. Sự thất vọng ở cái đẳng cấp khác, cái đẳng cấp mà, nếu ai đang đọc những dòng tôi viết thì đừng nên thử chạm tới một lần nào trong đời (Cảm giác kinh khủng hơn nữa khi ngồi vào phòng thi lại, người giáo viên bạn yêu quý là giáo viên trông thi nữa…Sau lần ấy, tôi đã tự thề rằng sẽ không để bản thân mình lọt vào tình thế ấy bất cứ một lần nào nữa…chỉ còn biết cúi mặt thôi các bạn ơii)

Chú thích một tẹo về “thi lại”. Khác với các bạn khóa K17, K18 thì ở Thời điểm mình học, nếu điểm thi tổng kết môn học dưới 5 điểm thì sẽ bắt buộc phải thi lại, thời gian thi lại sẽ tùy theo khoa và môn học. Nếu trượt bài thi lại mới phải học lại. Ngoại trừ môn thực hành tiếng của mình lấy điểm tổng kết là kì thi Giữa kì (chiếm 30%) và cuối kì (chiếm 70%), thì các môn chung khác (CSVH, Triết, Tiếng Việt…) sẽ lấy điểm tổng kết môn học là điểm bài thi cuối kì (100%) luôn, không bao gồm điểm giữa kì, hay điểm chuyên cần.


Những đêm sau đó, tôi đã nghiêm túc hơn trong việc nghĩ ngợi về tương lai hay sự học hành của mình. Tôi biết chắc mình đã sai, và đang sai… Nhưng sai ở đâu thì tôi lại chẳng biết. Nhưng dù tôi có biết đi chăng nữa, thì việc sửa ở đâu, sửa như thế nào, bắt đầu ở đâu bây giờ, liệu cố sửa mọi thứ sẽ có hơn được gì không lại càng làm tôi thấy loạn óc thêm… Hẳn sẽ có rất nhiều người, trong đó có cả tôi, khi gặp quá nhiều vấn đề ập tới cùng lúc cần phải xử lí thì, chúng ta sẽ lựa chọn phương án an toàn nhất… đó là chẳng làm gì hết. Tôi cứ nghĩ ra một đống câu hỏi mà mình chẳng thể tự trả lời như thế, và lại chẳng làm gì hết. Sự đấu tranh và rối bời cứ tiếp diễn trong đầu tôi mãi trong đêm, rồi lại mờ dần, dịu dần cho tới khi tôi chìm vào giấc ngủ. Kết quả là chẳng có con đường nào rõ ràng được vạch ra cả. Những đêm hè từ từ trôi qua, và mọi chuyện cứ lặp lại như vậy. Lúc ấy, suy nghĩ bao trùm trong tôi chỉ là việc tôi sẽ chẳng thể ra trường đúng hạn được đâu, hoặc sẽ cầm một chiếc bằng thật xấu xí ê chề, hoặc thâm chí sẽ còn chẳng thể ra nổi trường nữa mất.

Hình ảnh tôi đang ngủ say sưa trong những đêm hè tháng 7

Ừ thì cứ sai đi vì cuộc đời cho phép…
Còn với cuộc đời của riêng bạn thì hãy biết mình sai ở đâu nữa

Câu chuyện kì quặc mà tôi chẳng thể quên được bắt đầu vào 1 buổi tối tháng 7, trong một chuyến đi chơi cùng một anh bạn có khả năng bói bài Tarot. Lúc đấy tôi còn chả biết Tarot là cái quái gì, chỉ nhìn thấy mấy đứa bạn xúm vào hỏi lấy hỏi để, mặt ai nấy nhìn đều nghiêm trọng lắm. Thôi thì cũng thử vu vơ hỏi xin anh ta bói “một quẻ” về con đường sự nghiệp của mình xem sao. Anh ta nhận lời. Bảo tôi tráo bộ bài, rồi hãy rút ra 5 lá, đặt úp xuống bàn. Tôi từ từ làm theo lời chỉ dẫn. Xong xuôi, Anh ta bắt đầu lật ngửa từng lá bài lên… nheo mắt nhìn… rồi lắc đầu nhẹ một chút… Anh ta mở lại cuốn sách dầy cộp về ý nghĩa các lá bài để đọc cho chắc, rồi nhìn tôi và nói, những câu chữ mà có thể tôi không nhớ chính xác từng từ, nhưng ý nghĩa của nó thì chẳng thể quên được…

“Có lẽ em đã chọn sai con đường ngay từ đầu rồi. Nội lực của em không đủ để đi theo con đường này. Cứ thế này, em sẽ càng lùi đi thôi… Nghĩ xem hay là bắt đầu một con đường khác…”

Anh bạn bói Tarot

Nghe có vẻ…đúng thật… buồn thật, não nề ruột gan. Thế là mấy đêm sau, tôi lại trằn trọc. Đúng là suốt 1 năm qua, tôi đang “Duy Lùi” đi chứ chẳng phải “Duy Tiến” như cái tên bố mẹ đặt cho nữa. Có lẽ tôi đã thực sự lựa chọn con đường không phù hợp với khả năng của mình. Nhưng tôi cũng chẳng đủ can đảm và sự liều lĩnh để vứt bỏ hết đi để làm lại từ đầu, hay nhảy sang một con đường mới mẻ mà tôi cũng chẳng biết nó là con đường gì. Sau tất cả, trong đầu tôi khi ấy, chỉ văng vẳng mãi một phần câu nói của anh bạn bói Tarot để lại…

“Nội lực của em không đủ …. “

“Nội lực không đủ”? ừ đúng rồi, khả năng tiếp thu, khả năng tập trung, khả năng tự vượt lên của tôi bây giờ hầu như không có? Quả thật, nhắc tới chuyện học hành thì tôi là đứa khá “chậm tiêu”. Tôi còn lười nhác nữa, chẳng có cái khả năng cái gì kể bên trên hết. Từ hồi Cấp 1, cấp 2, hay Cấp 3, phần lớn những kiến thức tôi có được đều dựa cả vào những buổi học thêm và phần bài tập được giao về nhà chứ chẳng phải đến từ việc học trên lớp. Mà tôi cũng chỉ làm đầy đủ bài tập về nhà với những môn học mình có hứng thú, hoặc khi bị thầy cô “bắt” tôi làm nếu không sẽ bị mắng, bị phạt… Thế mới đủ để khiến tôi làm, mà làm nhiều thì mới hiểu, hiểu rồi thì mới lại thích, thích rồi mới lại làm… Không có cái vòng tròn kia thì chắc tôi cũng chẳng mảy may mở lại sách vở đâu. Tôi cũng nhận ra là, bây giờ, chẳng có môn học nào làm tôi hứng thú hết, chẳng có ai phạt tôi nữa, cũng chẳng ai bắt hay hối thúc tôi phải làm cái gì hết, ngày ngày chỉ có những tiết học trên lớp vô thưởng vô phạt thôi. Tôi đã rong chơi quá xa, quá đà mà chẳng còn ai níu lại, để rồi thành ra tôi đã tự dễ dãi và buông thả với chính mình. Nếu nói đúng ra, thì tôi chẳng có chút nội lực nào hết chứ chẳng phải là thiếu nữa…

Nhưng rồi… tôi lại tự hỏi mình…

” KHÔNG ĐỦ NỘI LỰC…. VẬY NẾU THÊM NGOẠI LỰC VÀO THÌ SAO?

Tiến Duy – 2016
Image result for iq 200
Một câu tự hỏi mang tính bước ngoặt của tôi… Chưa bao giờ đặt ra một câu hỏi có ý nghĩa như vậy =)))

Đầu năm thứ 2, tôi quyết định đăng kí học một lớp học tiếng Nhật bên ngoài để vừa “vá kiến thức hổng” vừa học thêm kiến thức mới. Tôi đưa ra quyết định sau khi cho rằng có thể đây chính là cái “ngoại lực” mình đang nghĩ đến, biết chăng đây sẽ là chiếc phao cuối cùng cứu vớt tôi khỏi biển sâu vô bờ bến. Mục tiêu nhỏ bé duy nhất của tôi bấy giờ chỉ là cố được bao nhiêu hay bấy nhiêu, thà thử làm còn hơn không làm gì. Hẳn là một quyết định thật tầm thường và đơn giản, sao phải trằn trọc cả mùa hè hay bói Tarot màu mè làm gì đúng không? Thực tế thì nó thật sự rất tầm thường. Tầm thường đến cái mức chẳng có đứa nào cùng khóa tôi phải đi học như tôi cả, tầm thường đến mức tôi phải hạn chế chia việc đi học của mình vì ngại, và cứ hễ nói cho ai thì người ta lại hỏi lại tôi “Mày đi học thế làm gì… phí tiền…. học trên lớp chưa đủ à?”. Mọi người nói vậy, dễ hiểu thôi, vì chẳng ai giống tôi hết. Nhưng chính vì chẳng ai giống tôi, nên tôi biết mình phải lựa chọn một cách chẳng giống ai cả. Giờ thì tôi biết được mình đang đứng ở đâu rồi. Tôi biết mình không thể áp dụng phương pháp học “Tao lười lắm, có học gì đâu” mà mấy đứa Giỏi vcđ hay chia sẻ mỗi khi chúng nó bị hỏi. Tôi đã từng áp dụng phương pháp học như thế và nhận kết cục thảm hại lắm rồi, không dám nữa đâu…. Thế là sau đó tôi đi học.

Ở cái lớp học thêm ấy, theo một cách nào đó, tôi tìm thấy môi trường phù hợp hơn với bản thân mình. Tôi gặp những người chỉ dẫn, giáo viên không hẳn nghiêm khắc nhưng đủ để khiến tôi ngồi nghe giảng một cách chăm chú hơn. (Tôi không có ý nói các giảng viên trên lớp chẳng biết cách truyền cảm hứng, bỏ mặc sinh viên gì cả. Họ là những người tuyệt vời, nhiệt tình và thật sự tận tâm mà tôi rất quý mến và thần tượng. Chỉ đơn giản là lúc ấy, tôi đã bị bỏ lại xa so với mặt bằng chung của lớp học nên chẳng thể tiếp thu được mà thôi) Tôi được ngồi cùng những con người có trình độ “giống tôi hơn”, những con người đến từ nhiều nơi, có thể giỏi cái này cái khác nhưng chung một mặt bằng về kiến thức tiếng Nhật. Tôi cũng tự có ý thức hơn với từng đồng tiền mình bỏ ra đóng học phí. Nhờ việc được “hít chung 1 bầu không khí” như thế này, và cảm giác mọi người chưa biết về cái lai lịch thậm tệ mà tôi có cảm giác mình không còn là kẻ bỏ đi nữa, hoặc ít nhất không phải là một đứa vô dụng. Tôi cố nhặt nhạnh lại từng ít một kiến thức mình từng bỏ qua, và có thêm những thứ mới mẻ… Chút kiến thức năm nhất ít ỏi đọng lại trong đầu đôi lúc cũng khiến tôi nổi bật hơn trong cái lớp học thêm nhỏ bé… Và những lúc như vậy, dần khiến tôi cảm giác rằng… Hình như… Tiếng Nhật không quá đáng sợ như mình nghĩ…

Thế giới thật rộng lớn, hãy cố gắng tìm kiếm một nơi nào đó phù hợp và dành cho riêng mình

Tìm một nơi phù hợp cũng là yếu tố quan trọng lắm đấy

Nhưng đâu chỉ cứ học thêm như vậy là xong? Tôi còn phải cố leo lắt duy trì việc học trên lớp, cố rút ngắn được bao nhiêu hay bấy nhiêu nữa, còn Tư tưởng, Đường Lối, Dẫn Luận và bao nhiêu môn chung nữa… Những môn học bắt buộc việc dành thời gian học tập và tìm hiểu ở nhà. Làm sao đây khi cứ về nhà là cái lực hút của những thứ màu mè trước màn hình laptop, sức hút của chiếc giường bừa bộn lại trở nên quá lớn với tôi. Tôi ngồi viết được vài chữ, đọc được vài thứ linh tinh là lại bị cuốn vào vòng xoáy những thứ linh tinh vô tận trên mạng mà chẳng kìm nổi lòng mình. Trời ạ!

Nhưng rồi một ngày, lại thêm một câu chuyện ngu ngốc và tình cờ nữa xảy đến. Tôi bực tay Roomate của mình vì hắn không dọn nhà theo phần việc phải (Dù thực tế thì tôi cũng chẳng phải 1 đứa ngăn nắp gì, nhưng tôi sẽ làm những thứ cần làm khi bị phân công hoặc sẽ làm khi thấy mọi thứ quá bừa bộn). Sáng hôm đó, tôi thức dậy, nhìn thấy một mớ hỗn độn xung quanh. Ôi sao mà khó chịu…Thế là tôi mặc kệ, ngày hôm đó chẳng thèm về nữa. Tôi ôm mớ sách vở và laptop của mình đi ra ngoài. Ơ cơ mà, ra ngoài thì đi đâu ngồi làm bài bây giờ? Thế là tôi quyết định lên thư viện của trường ngồi tạm, vì cũng chẳng còn chỗ nào mà đi nữa. Vậy là tôi đã lên thư viện lần đầu tiên trong suốt 13 năm đèn sách đấy! Mở đống sách và bài tập dài và lộn xộn như con đường Nguyễn Trãi ra để xử lí… Và các bạn biết điều gì không?

Tôi đã làm sạch đống bài tập mà mọi khi tôi chật vật 2 tiếng đồng hồ ở nhà mới hoàn thành được trong vòng chưa đầy 1 tiếng!

Tất cả những liên quan đến công việc hay học tập, tôi đều không làm ở nhà…. Ảnh được chụp tại Auden cafe

Thế là những ngày sau đó, dù chẳng còn thù hằn hay bực bội gì với tay roomate nữa, nhưng tôi vẫn tiếp tục xách mông ra Thư Viện ngồi học bài và điều tương tự lại xảy ra… Tôi đã thật sự ngồi học cơ đấy, một cách thật tập trung… Lần đầu tiên trong suốt hơn một năm trời, tôi cảm thấy tôi đang thật sự ngồi làm bài và học bài một cách nghiêm chỉnh như thế! Thậm chí, sau đó, tôi còn tự mua thêm sách về để học thêm, cái điều mà tôi làm lần cuối khi ôn thi đại học. Hóa ra, tô nhận ra được ra một điều về chính mình. Bản thân tôi, sẽ chẳng thể tập trung làm gì được trong một môi trường có đầy đủ điện, nước, mạng mẽo, máy tính luôn sẵn sàng, ở nơi một mình một vương quốc với vị vua chính là tôi! Tôi cần một nơi có thể ít tiện nghi hơn, mạng có thể chậm hơn, nhưng nơi đó khiến tôi luôn phải ở trong tư thế sẵn sàng tập trung, ngồi nghiêm chỉnh ngay ngắn và luôn có những người ở xung quanh tạo cho tôi cảm giác kiểu như “Mày đang ở một nơi công cộng và tao đang nhìn mày đấy, đừng có mà đổ đốn hay làm trò con bò ở đây, chỉnh tề đi!” Tôi đã tìm được sự tập trung cần thiết, ở một nơi dành cho sự tập trung mình, mặc dù sự tập trung ấy khiến tôi tiêu tốn nhiều công sức và tiền bạc hơn người khác (tiền xăng xe đi lại này, còn phải dậy sớm để kiếm chỗ ngồi tốt, và sau này tôi hay ra hàng Cafe ngồi nữa). Nhưng dù sao, tôi vẫn hiểu và tự nhủ.. Có thể mình không áp dụng được cách thức mọi người hay làm được… Và “Bài tập về nhà” từ đó với tôi không còn là bài tập để về nhà mình làm nữa rồi : )))

Tôi đến lớp với một chút tự tin hơn khi đã chuẩn bị phần bài tập và học bài cũ đầy đủ hơn… Giống như hồi đi học cấp 3, cứ hôm nào có kiểm tra miệng mà bạn học bài rồi ấy, hẳn là nhiều người trong chúng ta sẽ đều tràn đầy tự tin và vênh mặt hiên ngang như chẳng có nỗi âu lo nào tồn tại trên đời này hết đúng không? Yeah, thực ra tôi không đến mức vênh mặt như vậ đâu, nhưng cũng bớt cúi gằm đi trong mỗi giờ học rồi. Tôi có thể trả lời được nhiều hơn mỗi khi bị gọi tên, dù không phải tất cả. Mọi thứ trên lớp khá dần hơn, và khá dần hơn… Ít nhất là tôi cảm thấy thế.

Ở dưới một đáy giếng thật sâu để biết đặt chân trên mặt đất đáng quý biết nhường nào…

Tiến Duy 2019/6/16
Image result for on the well
Ở trong giếng, tôi đang nhìn thấy gì

Kì thi lại và thi cuối kì lần lượt tới… Sát sàn sạt. 2 kì thi mà tôi coi là quan trọng nhất lúc ấy. Có thể sẽ đây sẽ là dấu chân đầu tiên của tôi trên mặt đấy, hoặc cũng có thể tôi vẫn đang mắc kẹt ở nơi đáy giếng sâu thẳm thôi. Tôi đã thật sự lo lắng, tôi đã thật tập trung với hết khả năng của mình cho bài thi tới. Tôi tin rằng mình đã tự tin hơn,đã học “thật hơn” rồi… Nhưng tôi cần nhìn thấy một tín hiệu tích cực hơn, thực tế hơn,rõ ràng là cái cảm giác mơ hồ như là tôi đã tự tin hơn, đã học tốt hơn… bla..bla mà tôi vừa viết ở kia, tôi sợ tôi lại đang tự ảo tưởng. Chính vì thế, tôi vừa sợ, tôi lại vừa mong chờ bài thi tới… Oke… Thôi hãy tới đây nào!

Bài thi cuối cùng đã tới… và cũng lần lượt đi qua… Bảng điểm đã được dán trước văn phòng khoa… Tôi lên xem… Và lần này… Tôi có được số điểm hoàn hảo trong bài thi lại, và một số điểm tuyệt vời trong bài thi cuối kì! Thậm chí lần đầu tiên… mình lại ở một vị trí cao đến như vậy (Tôi không cũng không muốn nói ra cụ thể)… Nhưng thật sự thì, khi nhìn vào điểm số của mình, một phần sự sống trong tôi đã trở lại rồi…

Tôi đã đợi chờ quá lâu, ngủ quên quá lâu trong lớp màng của sự vô định. Đã làm những thứ chẳng rõ mục đích để rồi để mất quá nhiều thời gian một cách lãng phí. Và tôi cũng đã để mất một phần cơ hội tương lai của mình nữa chứ…(Thật sự thì tôi nghĩ rằng, giá mà tôi nhận ra sớm hơn, hiểu rõ chính bản thân mình hơn thì hẳn tôi đã có được một điểm số tốt hơn nữa, hẳn là tôi sẽ đạt được mục tiêu sau này của mình, thậm chí tôi có thể sẽ có một tấm bằng đẹp đẽ hơn nữa…Nhưng trên đời này thì từ “giá mà” chỉ nằm trên trang giấy và ngôn ngữ hàng ngày thôii) Dù sao thì tôi đã vui vẻ hơn trước, thật sự vui vẻ hơn, tự tin vào bản thân hơn. Điểm số tổng kết của tôi tăng cao hơn hẳn so với hồi năm nhất. Tôi chẳng còn thi lại bất cứ môn học nào kể từ đó. Cũng chẳng cần khóa học thêm nào nữa. Dần dần thì, theo một cách nào đó, phần tính cách lẫn cách tiếp nhận vấn đề của tôi cũng có sự thay đổi. Bức tường của sự mặc cảm mà tôi tự mình xây lên ngày trước, thì bây giờ tôi đã có thể tự phá nó đi để “tái hòa nhập cộng đồng” hơn. Tôi bắt đầu cởi mở hơn những người xung quanh, những người bạn cùng khóa, những người bạn khóa dưới và cả những anh chị khóa trên nữa. Và lúc ấy, tôi cũng đã tìm thấy tình yêu đầu tiên của mình sau 20 năm nữa đấy : )) Có lẽ, một người như tôi chỉ khi quan tâm và giải quyết được những vấn đề của bản thân mình thì mới có thể dành mối quan tâm cho những người khác được. Nếu đã chẳng thể tự lo cho mình, thì thật khó để vẹn toàn chu đáo với thế giới xung quanh…

Niềm vui chưa hẳn đã đi đôi với sự hài lòng…
Đa số chúng ta mỗi khi có đạt được cái gì đó, lại kiếm tìm những thứ lớn lao hơn đúng không nào..

Đã là khoảng giữa năm 2, tôi nhìn thấy các anh chị tôi quen, du học Nhật thật vui, đi học trao đổi thật vui. Trong lòng tôi cũng muốn đi học như thế, trông ngầu xì một chút, trải nghiệm môi trường khác biệt một chút, vốn kiến thức có thể được nâng cao hơn nữa này… Khi mục tiêu vớt vát cuộc đời tưởng chừng như vô vọng của tôi đã tương đối thành công, giờ đây tôi lại muốn được đi du học. Thế là tôi đi hỏi từng người, làm phiền các anh chị thật nhiều, hỏi đây đó về điều kiện cần và đủ để có thể đi du học như thế. Tôi nhìn lại điểm số của mình, tuy đã có sự cải thiện so với trước đây, nhưng thế vẫn chưa đủ. Thế là tôi tự đặt mục tiêu từ nay cho tới giữa năm 3, điểm số mình phải đạt mức điểm đủ điều kiện cần kia. Cơ mà, liệu tôi có kéo được điểm tới được mức đấy không, hay tôi chẳng biết mình sẽ phải cố gắng như thế nào cho từng môn học… Đặc biệt là với một đứa “cả thèm chóng chán – gian nan chóng nản” như tôi, chẳng thể cứ đặt ra cái mục tiêu môn nào cũng 9, 10 điểm để rồi lại tự nhủ lòng là ” không được đâu, vô vọng rồi” như lúc trước được. Tôi cần một sự rõ ràng và cụ thể, một thứ gì đó có thể nhìn thấy được. Tôi thật sự muốn biết liệu sẽ có một ánh sáng le lói cuối đường hầm nào cho tôi hay không, hay mọi sự đã lỡ, và cố gắng bây giờ đã là quá muộn. Và các bạn biết tôi đã làm gì không… Một việc thật ngu ngốc.

Tôi liệt kê tất cả các môn mình sẽ học cho tới giữa năm 3 kèm theo hệ số của nó… Nào là phải học Đường lối hệ số 4.5 này, Tư tưởng hệ số 2, Kĩ năng tiếng hệ số 10 này… Cộng trừ nhân chia loằng ngoằng để có số điểm trung bình mình cần phải đạt cho tất cả các môn học (ví dụ giờ môn nào tôi cũng đều cần đạt ít nhất 8 điểm thì tới giữa năm 3 điểm tôi mới đạt mức 7.5 chẳng hạn). Rồi từ đó tự điều chỉnh mục tiêu cho từng môn học để phù hợp khả năng của mình, miễn sao đạt mục tiêu tổng kết chung là được (Ví dụ: ôi đường lối khó lắm, cố được 7.5 thôi, vậy thôi cố Tiếng Việt và Dẫn luận phải được 8,9…)

Tiến Duy và cách tính toán ngu ngốc 2017-2018
(Tôi đã dành ra nguyên 1 ngày để làm phép tính ngớ ngẩn này)
Lại 1 pha IQ vô cực tới từ vị trí của Tiến Duy 🙂

Khi tính toán xong, tôi phấn khích vô cùng, một thử thách khó khăn, một nỗ lực lớn hơn, nhưng nếu tôi nghiêm túc làm, tôi tin mình sẽ đạt được cái mục tiêu xa xôi của mình… Thật sự, lúc ấy, tôi đã vô cùng vui sướng dù tôi còn chưa bắt tay vào làm, hoàn toàn chẳng có sự lo sợ nào hết. Vì tôi hiểu rằng, dù mục tiêu xa xôi này có đạt được hay không, thì việc bám sát vào thực hiện nó cũng sẽ làm tôi trở nên tích cực hơn theo 1 cách nào đó. Và việc có một mục tiêu và một thử thách cụ thể sẽ khiến cái đầu phức tạp của tôi thôi đặt câu hỏi “mình đang làm cái quái gì vậy, tại sao mình phải học chứ”. Và thế là tôi lại tiếp tục chặng đường mới của mình (Trên thực tế, tôi phải thừa nhận mình đã không đạt được mục tiêu xa xôi của mình là đi trao đổi tại trường mình mong muốn, vì nhiều lí do và yếu tố khác nhau. Sau đó tôi cũng từ bỏ ý định đi du học để hoàn thành 4 năm đại học dù cũng đã có một vài cơ hội thú vị khác tới)

Khác nhau giữa “Ôn rồi mà” và “Tao đã ôn gì đâu”

Một điều thú vị tôi vẫn luôn nhìn thấy là, những người nói “Ôi tao có ôn gì đâu…” trước mỗi kì thi thường có một số điểm cao vút, còn những người nói “Ôn kĩ rồi mà” khi nhìn thấy kết quả thi của mình lại có số điểm đáng buồn.

Tiện đây thì tôi cũng xin kể về câu chuyện ôn thi những môn học thuộc của mình cho các bạn nghe… À mà, đây là cách học của một đứa có trí nhớ thật sự ngắn hạn, và chỉ hướng tới mục tiêu của một số điểm tạm ổn thôi nha… Các bạn hãy chỉ nên đọc cho vui, hoặc tham khảo là chính. Vì mỗi người đều có một con đường riêng, cách thức riêng phù hợp với bản thân mình… Với tôi, chí ít, nó đã giúp cuộc sống đại học của tôi không còn dính tới cụm từ “học lại”, và “thi lại” nữa.. Quan trọng nhất là hãy biết điều gì cần thiết nhất cho mình thôi : D

Tôi thật sự gặp vấn đề với các môn học thuộc như Tư tưởng và Đường Lối bởi khả năng ghi nhớ ngắn hạn của mình. Và tôi tin chắc nhiều người cũng giống như tôi, chẳng thể hấp thụ hết đống dài dằng dặc ấy vào đầu được. Tôi đã từng trượt môn chung,những môn học thuộc miên man khó hiểu, và có lẽ nhiều người cũng thế… Và rồi sau mỗi kì thi, không biết bao nhiêu người (trong đó từng có cả tôi) sẽ đều thốt lên rằng:

Ơ…ÔN RỒI MÀ!

Tôi và nhiều người khác… 19xx – 2xxx

https://media.giphy.com/media/Q1aRmd8e90WIw/giphy.gif
(Não tôi mỗi khi phải nhớ cái gì đó)

Tôi đã từng trượt. Đương nhiên cũng đã từng qua môn…Và với tư cách của một thằng đã bị tạch cơ số môn học (Nghe thật là nhục biết bao), thì tôi khá tin để nói rằng, phần nhiều những câu kiểu như “ôn rồi” ấy đều là những lời chúng ta đang tự an ủi cho tâm hồn mình nhẹ nhõm hơn mà thôi. Kiểu như là, có nói gì thì ông thần May mắn chẳng nghe được hay đáp trả lại mình đâu, nên thôi cứ đổ hết cho ông ý đi cho nhẹ lòng. Mà kể cả nếu có chăng lời tôi nói có sai, thì liệu chúng ta đã hiểu được việc “ôn rồi” của chúng ta đang ở mức nào chưa… Và việc chúng ta đã ôn gì… và chúng ta đã ôn những thứ ấy đến đâu… thì khi nhận được điểm số không như ý mọi người ít đề cập tới. Với tôi, mỗi người đều có những nấc thang khác nhau khi đánh giá sự vật.(Chẳng hạn Kẻ chăm chỉ thì ôn 90% thì vẫn sợ mình chưa học đủ, hoặc những người ít chăm hơn thì thấy ôn 30,40% đã cảm giác nhiều lắm rồi). Hoặc nhiều khi, chúng ta cố gắng học thật nhiều, cố nhớ thật nhiều, nhưng mới chỉ chiếm phần ” thể xác” chứ không chiếm được nội dung vấn đề, để rồi khi ngồi vào phòng thi, chúng ta hoảng loạn, rồi lơ đễnh, rồi chẳng biết nên bắt đầu từ đâu hết, rồi chẳng biết làm gì nữa …

Hãy học môn chung một cách nghiêm túc nhé các bạn 🙂
Và ánh sáng chân lý sẽ soi rọi tới chúng ta

Trí nhớ của tôi chỉ cho phép việc ghim một thứ vào đầu khi hiểu được nó là gì, và để làm gì. Vậy nên thay vì học từng câu chữ, tôi cố gắng tự hiểu nó và tự diễn giải theo cách của riêng mình. Mà tôi còn lười nhớ nữa, nên tôi vạch ra những ý chính ngắn gọn và tóm nó thành 1,2 dòng thôi (cũng na ná cái sơ đồ tư duy ấy), rồi thường tự hỏi và tự trả lời “Tại sao nó lại như vậy, làm vậy để làm gì”( Chẳng hạn như khi tôi học cái bài Sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam gì gì đấy để thi Môn Đường Lối, tôi chẳng nhớ rõ lắm. Tôi đặt ra những câu hỏi kiểu như: tại sao ra đời cái ĐCS làm gì chứ, không có thì có làm sao không? ai cần? cần làm gì? Lập ra để làm cái gì? tự trả lời rồi nhìn lại tài liệu xem ý mình nói đúng chưa ) và cố đặt ra ví dụ cho nó nếu có thể (đặc biệt là mấy môn dẫn luận ngôn ngữ, hay tiếng Việt thì việc đặt được đúng ví dụ với tôi quan trọng cực). Tôi có xem thêm một chút tài liệu lịch sử trước khi thi nữa, và rồi chèn thêm ít khả năng văn chương hạn hẹp để ôm vào phòng thi (Ô hồi đấy hình như tôi được 7.5 hay 8 điểm Đường Lối liền, với tôi nó cũng cao phết rồi ấy :v). Trước mỗi kì thi, tôi xem đề cương một lượt, tự gạch ra những câu “mà mình nghĩ nó quan trọng và thực tế, dễ chém một chút” (Đương nhiên chỉ là cảm tính thôi, và tôi luôn nghĩ các thầy cô ra đề sẽ luôn có lòng nhân từ :v). Tôi sẽ học kĩ những câu đó trước, rồi từ từ học sang những câu còn lại sau hoặc sẽ ít nhất vạch ra vài ý cơ bản để ghi nhớ nếu thời gian thật sự gấp rút. Nhìn chung là, với tôi, ôn thi sẽ phải học hết, chỉ có ôn kĩ và ít kĩ hơn, chứ không bỏ qua. Công cuộc ôn luyện mấy môn chung của tôi thường kéo dài trong 1 tuần hoặc hơn 1 xíu, cố gắng hòm hòm mọi thứ 2 ngày trước khi thi để nhỡ đâu lại não cá lại rơi vãi cái gì còn ôn lại kịp… Một số người bạn đen đủi cũng thường bị tôi kéo đi học cùng cho bằng được. Vì nhiều khi với tôi học một mình cũng nản lắm. Và do mức thang điểm “học rồi” của tôi và người khác có thể sẽ khác nhau, nên tôi cũng muốn kiểm chứng sự học rồi của mình tới đâu.Và ngoài ra tôi tin rằng, việc có sự tương tác sẽ giúp tôi sẽ nhớ được mọi thứ tốt hơn nữa.

DÀI DÒNG ĐỦ RỒI… VẬY NHỮNG ĐIỀU KÌ DIỆU LÀ GÌ?

Chiếc ảnh tôi luôn yêu thích nhất

Tôi không phải một kẻ quá thành công trên con đường “miệt mài kinh sử” của mình, cũng không phải một người đã lựa chọn chính xác con đường phù hợp với mình. Nhưng sau cùng, giờ ngồi lại đây, tôi vẫn không hề hối hận về thứ tôi đã từng chọn. Vì đơn giản, ở môi trường này, tôi cũng đã học hỏi được rất nhiều thứ, cả trong lẫn bên ngoài sách vở, gặp được vô số những con người thú vị và tuyệt vời, những điều mà tôi đều coi là “duyên”. Tôi chưa từng đọc qua một cuốn sách về Self-help nào, tất cả những gì tôi viết ra ở trên đều được rút ra từ kinh nghiệm Self-Fuck của tôi thôi : ))) Chính vì thế tôi không viết ra đống trên kia để khuyên bạn phải làm thế này làm thế nọ… Tất cả những điều tôi đã viết cho mọi người ở đây, và cả ơ bài blog trước nữa, đều là những lời tự sự thực tế của tôi, từ trải nghiệm của chính mình, của một kẻ đã thật sự đã nếm mùi những thất bại đau đớn, nhìn thấy đầy rẫy vô vọng, vô vị, chán nản xung quanh, một phần là sự cô đơn nữa. Nhưng nếu chẳng trải qua những thứ ấy, tôi cũng chẳng thể ngồi đây, gõ ra những dòng này được, và chẳng thể nói với bạn rằng “đấy, đừng có đi vào vết xe đổ của tôi nhé”. Với cá nhân tôi, tôi đã may mắn gặp được những điều kì diệu để vượt qua 4 năm học đại học thật tình cờ, theo nhiều cách khác nhau. Tôi chẳng dám chắc chắn còn gì nữa không, nhưng nếu tóm gọn lại thì nó bao gồm vài điều sau.

Hiểu được chính bản thân. Mình là ai? Mình cần gì và muốn gì,
Tôi đã từng chẳng biết rõ mình thật sự muốn gì rồi phải đưa ra lựa chọn quan trọng. Và rồi tôi loay hoay với một “nội lực” yếu ớt và chẳng biết làm sao để ép mình vào khuôn khổ và lãng phí quãng thời gian 1 năm thật dài chẳng biết đi về đâu. Chỉ khi tôi thật sự hiểu được hơn chính mình, tôi mới tìm được ra cách để tự xoay sở với những thứ xung quanh. Chặng đường 4 năm cũng khá đủ để tôi nhận ra, bản thân tôi không quá phù hợp với ngành học mình mà mình lựa chọn, tôi đã lựa chọn việc duy trì nó ở mức ổn định nhất có thể chứ không cố dấn thân vào quá sâu. Còn trong trường hợp bạn cũng chẳng biết mình đang muốn, cần, và thích cái gì ư? Hãy tận dụng khoảng thời gian vẫn đang học đại học của mình để trải nghiệm những thứ bạn nghĩ “mình muốn làm đi”, có thể là dưới hình thức Partime hay Internship, hay hoạt động,tổ chức, câu lạc bộ gì đó bạn nghĩ có thể mình đang quan tâm. Sau những trải nghiệm đó, có thể bạn sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn, biết đâu bạn sẽ tìm thấy định hướng phù hợp, cũng có thể bạn sẽ nhận ra là “hóa ra, mình chẳng thật sự thích nó như vậy” và kịp chuyển hướng sớm hơn…

Biết được mình sai ở đâu khi có vấn đề. Và hãy tự đánh giá mức độ quan trọng và sửa nó
Biết được mình sai nhiều khi đã thật khó. Lại còn biết được mình sai ở đâu thậm chí còn khó hơn. Và còn càng khó hơn nữa khi biết mình sai quá nhiều thứ cùng lúc. Tôi đã thật sự rối bời và áp lực khi biết mình vừa sai khi lựa chọn ngành học, vừa sai trong thái độ học tập của chính mình. Hãy dành thời gian, suy nghĩ, tìm ra vấn đề mình gặp phải. Từ ban đầu, tôi đã nghĩ việc lựa chọn không đúng ngành học là cái sai lớn và bao trùm nhất, than thân trách phận đủ thứ, nhưng thực chất, vấn đề lại nằm ở cách tôi giải quyết vấn đề của mình. ( và thực tế chuyên ngành của tôi học bây giờ vẫn đang là một nơi “dựa dẫm” tài chính khá an toàn để tôi phát triển những thứ mà tôi nghĩ là phù hợp hơn với bản thân.) Đừng vội bỏ quộc khi bạn chưa thật sự cố gắng sửa những lỗi sai của mình nhé.

Một mục tiêu cụ thể cho riêng mình, mục tiêu xa xôi và những mục tiêu gần có thể với tới
Hãy từ từ từng bước một, đặc biệt là với những con người nhanh nản chí giống như tôi. Đặt ra mục tiêu nhỏ và hoàn thành được nó sẽ tạo cho bạn những niềm vui nhỏ bé nhưng quý giá vô cùng. Nó cũng chính là nguồn động lực để hoàn thiện những mục tiêu xa hơn của mình đó.

Tìm thấy Một nơi nào đó mình thuộc về
Tìm ra nơi mà bạn thuộc về thật sự rất quan trọng. Nếu bạn là một người có khả năng tập trung, tự lập và quản lý bản thân tốt, thì có việc kiếm tìm nơi phù hợp cho bản thân sẽ bớt đi nhiều thời gian hơn đấy. Còn ngược lại, tức là những con người giống tôi đó, hãy tìm kiếm những nơi nào phù hợp nhất với chính mình. Nơi mình có thể tập trung tốt, nơi mà mình được là chính mình, có thể là một nơi hữu hình như thư viện, quán cafe, một góc trong nhà, hay thậm chí là những thứ vô hình như là 1 Câu Lạc Bộ, Hội Sinh Viên hay các tổ chức bên ngoài (tổ chức hợp pháp ấy nha), nơi mà bạn không cảm thấy thua kém, và bạn có thể là chính bạn ấy nha…
Tìm thấy Những người đồng hành bên cạnh

Với tôi, những điều giá trị nhất mà tôi sở hữu khi ra khỏi HANU bao gồm: Vốn kiến thức tích lũy chuyên ngành có được, những kinh nghiệm và trải nghiệm quý giá mà tôi kinh qua, một chiếc bằng đại học khá giá trị, và những người bạn tôi quen trong 4 năm học… Hãy kiếm tìm những người bạn đồng hành thực sự của mình, đừng ngần ngại rỉ vào tai họ những lời than thở, đừng giữ những khó khăn cho riêng mình. Nhưng hãy luôn nhớ là nhận lại cũng phải cho đi nhé. Hãy “mua” những người bạn ấy… Đúng rồi đấy, ý tôi là mua… Hãy sử dụng một chút tiền (đi cafe, ăn uống này, bia bọt các thứ), một đống thời gian, và sự thật tâm của mình để mua những người đồng hành phù hợp nhé : )))

Và một chút may mắn nữa
Sẽ chẳng có ông thần may mắn nào hào phóng cả. Nhưng cũng không có ông thần may mắn nào lạnh lùng. May mắn chỉ tới, và song hành nếu bạn thật sự mong muốn, và nỗ lực cho một mục tiêu cụ thể mà thôi.

Woa… Cuối cùng mọi thứ đã kết thúc rồi đấy. YEAHHH…. Tôi đã than vãn, đã kể xong câu chuyện của mình cho mọi người. Cảm ơn đã lắng nghe những câu chuyện ấy… Mong răng, mọi người, đặc biệt là những người đang trải qua quãng thời gian vô định bên giảng đường đại học giống như tôi trước đây có thể tìm thấy chút niềm vui, hoặc chút gì đó đồng cảm, hay là có thêm những phương án cho riêng mình để tiếp tục con đường tiếp theo nhaaaa

CẢM ƠN MỌI NGƯỜI RẤT NHIỀU!!! HẸN GẶP LẠI TRONG CÁC BLOG TIẾP THEO

CƯỜI CHÀO TẠM BIỆT

7 thoughts on “Làm Sao Để Ra Trường Đúng Hạn (P2)

  1. Anh ạ không biết có phải do em không quen đọc blog cá nhân không, nhưng mà cứ góp ý cái đã.
    Bài viết hơi dài dòng, cảm giác lan man thiếu trọng tâm, thiếu đích đến, thiếu cả trọng tâm lẫn điểm nhấn. Hành văn hơi… khô khan, sai chính tả với lặp từ kha khá, thiếu cả cảm xúc của người viết nữa.
    Chút ý kiến vậy thôi ạ có gì ông anh sửa cho em 😦

    Like

    1. Hello bae =)) cảm ơn vì đã click vô blog a để coi đã ha…
      Trước tiên thì như anh đã nói từ đầu trong cả 2 phần, những gì anh viết ở blog này em nên coi nó giống như một câu chuyện hoặc 1 bài tản văn anh viết về quãng thời gian đại học chứ không phải là một bài viết hữu ích hay chia sẻ tips học hành hay self-help gì hết… Mà thông thường thì chuyện kể hay tản văn thì chẳng đi theo trọng tâm cố định được đúng không nào… Nếu muốn viết thành 1 bài truyền đạt kinh nghiệm cho các em thì chắc anh chỉ cần tóm gọn 10.000 chữ của 2 bài blog vừa rồi thành cái 1 phần kết luận trên kia là được rồi, chẳng phải kể sự trằn trọc, cảm giác thất vọng anh đã từng trải qua làm gì hết. Thậm chí anh đã phải lọc bớt ý để kể chứ hoàn toàn có thể viết dài hơn nữa…
      Cảm xúc thì khỏi phải nói, vì anh viết phần lớn bằng hồi tưởng nên nếu không có cảm xúc cá nhân thì sẽ chẳng thể viết nổi mất… Có chăng là từ ngữ chọn lựa không tới được mọi người thôi ha…
      Lỗi chính tả và lặp từ thì anh không có gì bàn cãi. Phần là anh thường mắc kha khá lỗi chính tả khi hành văn,và phần khác nữa là vì anh viết ra dài quá nên lười đọc và soát kĩ lại câu từ :))))

      Liked by 1 person

  2. Em chào anh ạ!
    Chắc anh cũng không biết em đâu ạ. Nhưng em có biết anh và biết rõ khi em viết bài về Tuần lễ văn hóa Nhật Bản.
    Chắc là lúc anh lên thư viện học đúng lúc em ở trong thư viện nhìn thấy anh, cảm giác rất ấn tượng, vì Hanu ít trai mà con trai lại vào thư viện nên lúc đấy thấy ngưỡng mộ lắm.
    Về phần blog thì em thấy việc anh viết ra thế này rất là hay ạ, chân thật, thẳng thắn; có thể giúp trực tiếp mọi người về việc học, lựa chọn hướng đi của mình hoặc không thì mọi người cũng sẽ hiểu anh hơn hay một phần tính cách nào đó của anh mà mọi người thấy thú vị (như không bỏ cuộc, tìm giải pháp, sống hết mình…) cũng là điều mọi người có thể học được chút ít gì đó.
    Cảm ơn anh, rất mong có cơ hội đọc tiếp những bài sau anh viết! :)))

    Like

    1. Chào em nhé ^^ Em đọc cái mớ lộn xộn loằng ngoằng ở trên rồi cmt thế này làm anh vui quá hehe…
      4 năm là thời gian đủ dài để anh hiểu, anh là một thằng đã và sẽ vướng vào mọi thứ thất bại và hố sâu trong cuộc đời này :)) Nhưng sau cùng, mấy thứ đó lại giúp anh hiểu ra nhiều điều hay ho mà anh nghĩ là quan trọng trong không chỉ là học tập, mà là mọi công việc sau này. Anh quyết định viết ra, với ý nghĩ biết đâu nó sẽ là một gợi ý nhỏ bé nào đó tới những người có thể sẽ rơi vào hoàn cảnh của anh thì sao. Dù chia sẻ sự dốt nát, học hành chẳng tới nơi tới chốn của bản thân trong quá khứ đúng là hơi ngại thật :v Anh cũng không hẳn là một người không bỏ cuộc, hay vững tin ý chí gì đâu. Mà ngược lại, cả thèm chóng chán, cũng mờ mịt đường đi và hay mắc bệnh chán đời lắm chứ… Anh nghĩ việc anh đang là anh bây giờ phần nhiều cũng là do may mắn nữa em à : D
      Chắc là anh sẽ vẫn còn viết tiếp đấy (Nếu chứng chán đời không lặp lại)… Rất mong sẽ nhận được những phản hồi tiếp theo từ em nha…
      Và xin lỗi nếu anh “Chắc không biết em” :(( Vì anh cũng hơi ngơ ngơ chẳng để ý gì hết mỗi khi đi trên đường đâu :))

      Like

Leave a comment